Khi đã gần 70 tuổi, Phùng Khắc Khoan vẫn được tin tưởng cử đi sứ nhà Minh để xin cầu phong cho vua Lê Thế Tông. Trên đường đi sứ, ông luôn tìm hiểu cách làm ăn của người dân ở mỗi địa phương đi qua, nhằm giúp cho dân mình khi trở về nước.

Dạo ấy, vào cuối tháng Ba, trên các sườn đồi, sườn núi bạt ngàn, chỗ nào ông cũng thấy trồng một thứ cây xanh ngắt một màu. Trạng Bùng không biết đó là cây gì, lấy làm lạ lắm, bèn lân la dò hỏi. Mãi sau ông mới biết đó là “ngọc mễ” (tức gạo ngọc), thứ ngũ cốc hạt to gấp mấy lần hạt gạo, ăn thay gạo rất bùi. Ông nghĩ bụng, người dân ở đây có tới hàng vạn, hàng triệu người sống bằng thứ “gạo ngọc” quý giá này, vậy phải tìm cách đưa về nước trồng.

Đến kinh thành, nhà Minh có ý khinh thường không tiếp, phái đoán của ông phải nằm trực ở ngoài dịch xá. Phùng Khắc Khoan liền làm 36 bài thơ chúc thọ rồi nhờ quan Tể Tướng tiến dẫn. Đọc thơ, vua Minh Thần Tông hết lời ca ngợi, biết đây là nhân tài hiếm có nên mới mời ông vào gặp mặt.

Nhờ tài năng đối đáp cùng học vấn uyên bác của Phùng Khắc Khoan mà vua nhà Minh mới nhân nhượng nhiều điều. Lúc sắp về, nhà Vua thết đãi ông một bữa yến sào, Phùng Khắc Khoan nói: 

Thưa Đức Vua, bấy lâu nay tôi ăn ‘ngọc mễ’ đã quen dạ, xin phép được ăn thay yến.

Vua Minh sai người đưa hầu ông mọt bát “ngọc mễ” bung. Mọi người ăn tiệc yến vui vẻ, riêng ông vẫn ăn “ngọc mễ” bung ngon lành. Ông còn xin vua Minh cho đem theo “ngọc mễ” để ăn dọc đường. Vua Minh bằng lòng.

Trên đường về, mỗi ngày Phùng Khắc Khoan ăn một bữa, nhịn một bữa, dành dụm để đem về làm giống. Nhưng về đến cửa ải Nam Quan, bỗng phía trước có một tốp lính nai nịt gọn gàng, phóng ngựa tới.

Sứ giả nhà Minh lễ phép nói: 

Thưa tiên sinh! Lệnh nhà vua không cho đem hạt ‘ngọc mễ’ nào ra khỏi biên giới. Đây là pháp lệnh, xin tiên sinh hiểu cho.

Phùng Khắc Khoan lúc này bàng hoàng cả người, không biết phải làm sao. Ông vốn muốn đưa giống “ngọc mễ” này về giúp người dân. Giả như lúc còn ở kinh thành mà Phùng Khắc Khoan biết được lệnh cấm này, thì ông còn có thể dùng tài năng của mình mà thuyết phục nhà vua cho đem hạt giống về nước. Thế nhưng đã gần đến biên giới rồi, không lẽ bây giờ lại phải quay ngược trở lại kinh thành hỏi xin vua Minh.

Không còn cách nào khác, ông đành bốc lấy một nắm bỏ vàọ túi áo, còn bao nhiêu dỡ cả xuống đường, trước mặt sứ giả, rồi đánh xe đi. Đến quãng đường vắng, ông ra lệnh cho tất cả mọi người dừng lại và nói:

– Bên này có giống gạo quý, dễ trồng, thu hoạch cao, thế nào cũng phải đưa về một ít làm giống. Mỗi người phải mang về kì được hai hạt. Các ông lại đây nhận lấy !

Để đảm bảo đưa được hạt giống về nước, ông còn nhấn mạnh: 

Đây là quốc pháp, không ai được làm mất. Ai không làm tròn bổn phận, phải chịu tội nặng.

Mọi người loay hoay tìm cách giấu “ngọc mễ”.

Đến cửa ải Nam Quan, lính tráng nhà Minh khám xét rất kỹ, nắn từ đầu đến chân, mở cả hành lý ra. Khi không tìm thấy gì, viên quan coi ải mới tỏ vẻ nhã nhặn: “Thưa tiên sinh! Xin thứ lỗi cho chúng tôi việc làm hồ đồ này. Vả lại đấy là lệnh vua”.

Đến lúc qua ải Nam Quan, khi cửa quan từ từ khép lại, mọi người mới thấy mình nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng. Họ hồ hởi đến nộp lại “ngọc mễ” cho ông. Riêng người lính đi tiền trạm vẻ mặt lo lắng, bần thần. Mọi người đã nộp xong mà anh ta vẫn đứng ì ra đó.

Ông bèn bảo:

– Nộp đi !

Anh lính lúng túng:

– Thưa… thưa…

Ông vội hỏi: 

Thưa gì ? Sao, làm mất rồi hả ?

Anh lính sợ hãi thanh minh: 

Thưa… con đi trước, đến cửa Nam Quan bị khám kĩ quá. Hắn bóp má, nhòm lỗ mũi, vạch lỗ tai, con sợ quá nuốt mất !

Mọi người cười ồ cả lên.

Thế là hạt “ngọc mễ” được đưa vào nước ta từ hồi ấy. Vì giống này lấy từ đất Ngô, nên Phùng Khắc Khoan gọi là “cây ngô”. Cũng chính trạng Bùng là người nhân giống cây ngô này cho người dân cả nước…